{SLIDE}

Viêm màng não

Thứ bảy, 19/01/2019 - 09:15 AM
Viêm màng não

1Viêm màng não là gì?

Tên gọi khác: Meningitis.

Viêm màng não là bệnh viêm nhiễm của màng não (lớp màng mô chắc bao bọc quanh não và tủy sống). Viêm màng não có thể do vi khuẩn, virus, nấm, kí sinh trùng… gây nên. Cần phân biệt viêm màng não và viêm não vì đối với viêm màng não sự viêm chưa xâm nhập vào tới não bộ.

Bệnh viêm màng não có thể gặp ở mọi nơi, ở bất cứ đâu và bất kỳ độ tuổi nào đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh có thể gặp quanh năm, nhưng thường gặp nhiều khoảng tháng 10 đến tháng 3.

2Triệu chứng thường gặp của người bị viêm màng não

Triệu chứng của viêm màng não có thể xuất hiện nhanh chóng trong vòng 24 giờ hoặc từ 1 đến 7 ngày. Ở một số bệnh nhân đang sử dụng kháng sinh nếu bị viêm màng não có thể triệu chứng sẽ tiến triển muộn hơn và ít nặng nề hơn. Viêm màng não cũng có thể xuất hiện triệu chứng sau vài tuần thường xảy ra với viêm màng não do lao, nấm.

Những triệu chứng khi phát bệnh thường là:

- Nóng, sốt, vã mồ hôi.

- Đau đầu.

- Cứng cổ.

- Chóng mặt, nôn.

- Sợ ánh sáng.

- Co giật.

- Trẻ còn bú: thóp phồng, bỏ bú, li bì, hôn mê.

Một số triệu chứng có thể xảy ra nhưng ít gặp hơn:

- Nổi ban trên da giống những vết bầm.

- Sưng đau một hay nhiều khớp.

- Yếu khu trú, giảm cảm giác hoặc vận động, đặc biệt là ở mặt.

3Nguyên nhân mắc bệnh viêm màng não

Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra viêm màng não trong đó vi khuẩn, virus là nguyên nhân chủ yếu được biết đến.

- Viêm màng não do vi khuẩn gây ra (viêm màng não mủ) thường gặp là vi khuẩn Streptococcus pneumoniae, Neisseria meningitidis, Haemophilus influenzae type B, Escherichia coli. Bệnh thường là hậu quả của nhiễm trùng do vi trùng đã tồn tại ở vùng mũi và miệng. Những vi trùng này đi vào máu, sau đó đến cư trú ở lớp màng não. Bệnh cảnh thường là nặng và xảy ra cấp tính. Riêng đối với viêm màng não do lao, bệnh cảnh xảy ra chậm hơn, bán cấp tính và để lại nhiều di chứng.
- Viêm màng não do virus: virus thuộc họ Enterovirus, Arbovirus, virus quai bị, Herpes virus, virus gây bệnh sởi, cúm,…cũng là nguyên nhân gây ra viêm màng não. Bệnh thường lành tính hơn, ít nguy hiểm đến tính mạng hơn so với viêm màng não mủ. Hầu hết bệnh nhân có thể hồi phục hoàn toàn, chỉ cần điều trị triệu chứng là chủ yếu.
- Viêm màng não xảy ra do biến chứng của nhiễm trùng xảy ra ở gần não như tai, xoang, cũng có thể do biến chứng của phẫu thuật não.

Những người có nguy cơ bị viêm màng não nhiều hơn những người khác là:

- Trên 60 tuổi.

- Dưới 5 tuổi.

- Nghiện rượu.

- Bị hồng cầu hình liềm.

- Bị ung thư, đặc biệt là đang hóa trị.

- Bệnh nhân ghép tạng và đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch.

- Có tiếp xúc với bệnh nhân bị viêm màng não trong thời gian gần đây.

- Đái tháo đường.

- Những người sống trong khu tập thể (doanh trại quân đội, khu sống tập thể).

- Sử dụng thuốc đường tĩnh mạch.

- Những người có ống dẫn lưu do não úng thủy.

4Điều trị viêm màng não

Bất cứ trường hợp nào cũng cần phải đưa bệnh nhân đến bệnh viện nếu nghi ngờ mình hoặc người thân bị viêm màng não. Trong quá trình đưa bệnh nhân đến viện hoặc chờ xe cấp cứu cần thực hiện những bước sau:

- Cho bệnh nhân dùng thuốc hạ sốt (paracetamol).

- Đặt bệnh nhân nơi có ánh sáng dịu, yên tĩnh.

- Trường hợp bệnh nhân bị nôn, ói cần đặt bệnh nhân nằm nghiêng.

Sau khi bác sĩ đã khám và ghi nhận các triệu chứng, nếu nghi ngờ bị viêm màng não có thể sẽ đề nghị thực hiện những bước sau:

- Xét nghiệm công thức máu để xem số lượng bạch cầu và hồng cầu.

- X-Quang có thể giúp tìm dấu hiệu của viêm phổi hoặc tràn dịch màng phổi.

- Chụp CT scan có thể dùng để chẩn đoán phân biệt giữa nhiễm trùng với áp xe.

- Chọc dò dịch não tủy rất cần thiết trong việc chẩn đoán viêm màng não. Dịch được phân tích trong phòng xét nghiệm để giúp xác định được viêm màng não là do vi trùng, virus hay các tác nhân khác.

- Một số xét nghiệm khác dùng để tìm những ổ nhiễm trùng khác.

Đối với viêm màng não do virus, kháng sinh không có tác dụng. Điều trị triệu chứng là chủ yếu. Bệnh nhân bị viêm màng não do virus có thể được bác sĩ cho về nhà sau 3 đến 5 ngày và hẹn tái khám. Nếu bệnh nhân trở về nhà có những triệu chứng bệnh chuyển biến nặng hơn như ói nhiều không thể kiểm soát, đau đầu hoặc sốt nặng, tê, yếu tay chân, lơ mơ hoặc ngủ nhiều cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay lập tức.

Đối với viêm màng não do vi khuẩn thường sẽ được nhập viện và nằm ở phòng chăm sóc đặc biệt để tiện theo dõi. Điều trị cho bệnh nhân cụ thể như sau:

- Dùng thuốc theo đường truyền tĩnh mạch.

- Theo dõi hoạt động tim.

- Sử dụng kháng sinh theo đường tĩnh mạch.

- Tùy độ nặng của bệnh mà cân nhắc sử dụng Steroid.

- Nếu bệnh nhân khó thở có thể đặt nội khí quản để cải thiện tình hình.

- Truyền tĩnh mạch ở bẹn, ngực hoặc cổ.

- Đặt ống thông tiểu để kiểm tra lượng nước tiểu của bệnh nhân.

Theo dõi và điều trị cho bệnh nhân khi có chuẩn đoán chắc chắn, trong quá trình chưa biết chính xác kết quả thì bệnh nhân phải được nhập viện. Chọc dịch não tủy lại lần nữa sau 12 - 24 giờ để đánh giá kết quả điều trị.

5Phòng tránh bệnh viêm màng não

Sử dụng thuốc hoặc vắc-xin là những cách phòng tránh bệnh phổ biến nhất hiện nay:

- Thuốc: Một số loại kháng sinh có thể giúp phòng ngừa viêm màng não với những người có tiếp xúc hoặc gần gũi với bệnh nhân bị viêm màng não. Những tiếp xúc có thể là tiếp xúc trong thời gian dài hoặc có tiếp xúc với miệng mũi, các chất tiết ở phổi.

- Vắc-xin: Một số loại vắc-xin phòng bệnh HIB (Hémophillus influenza type B), phế cầu, não mô cầu cần được tiêm chủng ở người. Đặc biệt vắcxin phòng viêm màng não do HIB được khuyến cáo dùng cho trẻ em vì HIB là loại vi trùng gây nên 70% các trường hợp viêm màng não ở trẻ em.

Ngoài ra, cần phải thực hiện những biện pháp sau để cải thiện lối sống tránh làm bệnh lây lan trong cộng đồng:

- Thường xuyên vệ sinh cá nhân: rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các dung dịch sát trùng khi súc miệng.

- Vệ sinh nơi ở, nơi làm việc.

- Giữ ấm, chăm sóc tốt trẻ những lúc thời tiết thay đổi và lúc có dịch cảm cúm, điều trị kịp thời khi trẻ bị viêm mũi họng hay viêm tai.

- Chủ động tiêm phòng vắcxin.

- Nếu có các biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn, cứng cổ cần đến ngay các cơ sở y tế để được chuẩn đoán và điều trị.

Bệnh viêm màng não là một trong những căn bệnh nguy hiểm nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Vì vậy, để ngăn ngừa căn bệnh này cần phải tuân thủ những biện pháp phòng tránh bệnh đặc biệt đối với những bệnh nhân có tiếp xúc trực tiếp hoặc tiếp xúc một thời gian dài với bệnh nhân bị viêm màng não. Cần phải xây dựng một lối sống lành mạnh như vệ sinh cá nhân sạch sẽ, vệ sinh nơi ở, tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh. Nếu có bất cứ triệu chứng gì bất thường nghi là nhiễm bệnh cần phải đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị.

(Hình ảnh tổng hợp từ kenh14.vn, medindia.net, theconsciousparent.co.uk, Pinterest, google,...)

Bình luận của bạn
*
*

Bệnh Thần Kinh liên quan

HỆ THÔNG NHÀ THUỐC SƠN MINH
CSKH: 354 Nguyễn Văn Công, Phường 3, Quận Gò Vấp, TP.HCM
Email: lienhe@nhathuocsonminh.com
Tel: 0888 169 115
DSĐH: Vũ Khánh Quỳnh

© Bản quyền thuộc về Nhathuocsonminh.com

Hiệu quả của sản phẩm có thể thay đổi tùy theo cơ địa của mỗi người.
Sản phầm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.
Công ty TNHH TM Y TẾ XANH chỉ phân phối thuốc cho các nhà thuốc theo hợp đồng, chúng tôi không trực tiếp bán hàng cho các cá nhân. Quý khách hàng liên hệ với các nhà thuốc để được hướng dẫn và tư vấn chi tiết. Việc sử dụng thuốc và chữa bệnh phải tuyệt đối tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Thiết kế bởi www.webso.vn

0909 54 6070

Back to top